Kỹ thuật lái xe trên đường đồi núi, nhiều khúc cua liên tục

Khi lái xe trên đường đồi núi nhiều cua liên tục, người lái phải xử lý như thế nào để hạn chế văng xe và quăng quật ?

Khi chạy xe trên đường đồi núi quanh co, người lái xe có kinh nghiệm sẽ biết cách điều khiển để người ngồi cùng cảm thấy êm dịu, thư thái mà không bị quăng quật và mệt mỏi. Thực tế chứng minh rằng có những người đi cả ngày đường trên địa hình đồng bằng thông thường mà không hề cảm thấy nôn nao choáng váng, nhưng chỉ cần ngồi trên xe di chuyển mấy chục cây số trên đường đồi núi ôm cua liên tục là đã “mặt xanh nanh vàng”.
Vậy người lái phải làm sao để vừa cảm thấy thư thái khi cầm lái, vừa làm cho những người đi cùng cảm thấy dễ chịu trên cả chặng đường dài vất vả? Để có thể làm được như vậy, lái xe cần phải phát huy nhiều yếu tố và kinh nghiệm cùng một lúc, đó là phán đoán tình huống, nhận biết tình trạng mặt đường, điều chỉnh tốc độ phù hợp, tận dụng tối đa phần đường của mình.

Trước khi đến một khúc cua, điều đầu tiên là phải nhận biết mức độ nguy hiểm của khúc cua đó và giảm tốc độ sao cho phù hợp để ôm cua gọn gàng. Môt kỹ năng cực kỳ quan trọng khi ôm cua, giúp xe giảm tối đa khả năng bị văng và quăng quật là “mở cua”. Có hai tình huống mở cua như sau (xem hình vẽ):

1. Cua trái: Một nguyên tắc bất di bất dịch khi vào cua, đặc biệt là khi tầm nhìn bị hạn chế, là không được lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều. Bạn phải quan sát đường phía trước từ khoảng cách đủ xa để nhận biết đặc điểm của khúc cua. Giảm tốc độ rồi từ từ đánh lái về bên tay phải để bám sát lề đường bên phải (theo hình vẽ). Sau đó đánh lái dần theo hướng cua sao cho đến giữa cua thì xe bám sát tim đường. Khi đã thoát cua thì trả lái thật êm để xe bám dần sang bên phải của làn đường rồi dần dần trở lại tâm làn đường.

2. Cua phải: Với góc cua phải, lái xe cũng cần quan sát cẩn thận và phán đoán tình huống tương tự như khi cua trái, nhưng thao tác đánh vô-lăng thì hoàn toàn ngược lại. Giảm tốc độ tới ngưỡng có thể kiểm soát, cho xe bám gần sát với tim đường rồi từ từ đánh lái theo hướng cua, sao cho khi đến giữa khúc cua thì xe bám sát lề đường bên phải. Khi thoát khỏi góc cua, trả lái thật êm để xe bám dần về phía tim đường rồi mới từ từ trở lại tâm làn đường của bạn.

Chú ý: Người cầm lái hãy cảnh giác với những chướng ngại vật hay phương tiện dừng đỗ trên phần đường bị khuất tầm nhìn. Nhiều trường hợp Topcar Vietnam ghi nhận ô tô hoặc xe máy dừng đỗ thiếu ý thức ngay tại những khúc cua.

3. Cắt cua: Khi góc cua rất thoáng, tầm nhìn tốt mọi hướng, lái xe thậm chí có thể cắt cua. Nhưng nhớ là ngay khi thoát cua cần nhanh chóng trở về làn đường/phần đường di chuyển của mình.

Các lái xe số sàn cũng cần lưu ý rằng nếu cần chuyển số thấp hơn để xe giảm tốc độ phù hợp khi vào cua thì nên thực hiện thao tác này sớm, cách khúc cua một khoảng tùy thuộc vào tốc độ xe đang chạy. Tránh trường hợp chuyển số hoặc phanh khi xe đang vào giữa khúc cua, có thể khiến cho xe bị mất kiểm soát.

Chúc các bạn lái xe an toàn!

TopCar/Internet